Luật Thuỷ sản được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2004, đã tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng, điều chỉnh toàn diện các quan hệ xã hội trong lĩnh vực thủy sản. Thực tiễn những năm qua cho thấy, Luật Thuỷ sản 2003 và các văn bản dưới luật đã dần đi vào cuộc sống; khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư tham gia vào nuôi trồng, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thuỷ sản; góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho ngư dân, phát triển kinh tế của đất nước trong quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Nhờ đó, trong những năm gần đây ngành thuỷ sản Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, có đóng góp lớn trong giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, năm 2016 giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 7,16 tỷ USD và năm 2017 đạt 8,3 tỷ USD.
Sau 14 năm thi hành Luật Thủy sản 2003 thực tế đã đặt ra các yêu cầu cần phải nghiên cứu, sửa đổi như:
- Một số quy định của Luật Thuỷ sản 2003 khi triển khai thực hiện đã bộc lộ hạn chế, bất cập, chưa theo kịp với sự phát triển nhanh của Ngành thuỷ sản Việt Nam như: Quy định về quy hoạch quản lý và phát triển nguồn lợi thủy sản; điều tra nghiên cứu nguồn lợi thủy sản; quản lý đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản; quản lý hoạt động thả phóng sinh, thả tái tạo nguồn lợi thủy sản; quản lý giấy phép khai thác thủy sản; đăng kiểm tàu cá; kiểm ngư...
- Một số quy định mới của các Điều ước quốc tế về thuỷ sản đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Luật Thuỷ sản cho phù hợp (như Hiệp định về các biện pháp của quốc gia có cảng; quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định...).
- Yêu cầu trong công tác cải cách hành chính của Chính phủ Việt Nam, tăng cường thực hiện xã hội hóa các dịch vụ công, đơn giản hóa thủ tục hành chính, phân cấp tối đa cho địa phương; rà soát đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh.
- Một số quy định của Luật Thuỷ sản 2003 không còn phù hợp với các Luật mới được Quốc hội thông qua có liên quan đến lĩnh vực thủy sản (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai,...).
Vì vậy, để khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên việc sửa đổi Luật Thuỷ sản 2003 là hết sức cần thiết.
Ngày 21/11/2017, Quốc hội đã thông qua Luật số 18/2017/QH14 quy định về hoạt động thủy sản; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động thủy sản hoặc có liên quan đến hoạt động thủy sản; quản lý nhà nước về thủy sản (gọi tắt là Luật thủy sản 2017). Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày kể từ ngày 01/01/2019.
Luật Thuỷ sản 2017 có nhiều điểm mới so với Luật Thuỷ sản 2003. Với 9 chương, 105 Điều, Luật Thuỷ sản 2017 được đánh giá là có nhiều thay đổi, giảm 1 chương (9/10) và tăng 43 Điều so với Luật thuỷ sản 2003.
Cụ thể, những điểm mới được đưa vào Luật lần này gồm: Quy định về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Điều 10). Theo đó, người dân, Hội, Hiệp hội…tham gia cùng với chính quyền cơ sở quản lý hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, từng bước thực hiện chủ trương xã hội hóa, tăng cường vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong quản lý hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, là giải pháp hữu hiệu giảm xung đột lợi ích trong cộng đồng và góp phần phát triển bền vững.
Luật Thuỷ sản 2017 cũng có nhiều điểm mới trong quy định về Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại Điều 21 và khuyến khích thành lập Quỹ cộng đồng (Điều 22).
Về nuôi trồng thủy sản, được quy định tại Chương III, từ Điều 23 đến Điều 47. Luật đã quy định chi tiết hơn và không bỏ sót các đối tượng nuôi, hình thức nuôi và mục đích của việc nuôi trồng thủy sản
Đặc biệt, Luật Thuỷ sản 2017 đã luật hóa các nội dung liên quan đến chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) trong đó có khuyến nghị của Ủy ban Châu âu (EC)
Sửa đổi mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hải sản quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 như sau: mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý nhà nước về thủy sản đối với cá nhân là 1 tỷ đồng.
Các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận, chứng chỉ, văn bản chấp thuận trong lĩnh vực thủy sản đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thì được sử dụng cho đến khi hết thời hạn.
Các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật đã được ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thì tiếp tục được áp dụng cho đến khi bị bãi bỏ hoặc thay thế.
Nguồn: https://snnptnt.bacgiang.gov.vn/
https://vasep.com.vn/chong-khai-thac-iuu/truyen-thong-ve-iuu/-to-roi-moi-chu-tau-ca-va-ngu-dan-ra-khoi-can-ghi-nho-thuc-hien-29421.html